Du học Ý là một cơ hội tốt cho các sinh viên. Nhiều trường đại học ở Ý hằng năm cấp các suất học bổng cho sinh viên nước ngoài. Ngoài ra còn có các nguồn học bổng khác từ chính phủ Ý cho sinh viên một số nước (bao gồm sinh viên Việt Nam) như (Invest your Talent) hoặc học bổng của từng vùng ở Ý cấp. Đối với sinh viên đến từ các nước không thuộc khối châu Âu (non-european students), khi nhận được thư báo đã đỗ và được nhập học tại một trường ở Ý, sinh viên cần liên hệ với Đại sứ quán Ý (ở Hà Nội) hoặc Tổng Lãnh sự quán Ý (ở TP. Hồ Chí Minh) để bắt đầu các thủ tục nhập học và làm visa để nhập cảnh vào nước Ý với mục đích đi học (visa loại D). Trong vòng 8 ngày làm việc tính từ ngày đầu tiên nhập cảnh vào Ý hoặc vào các nước thuộc khối Schengen, sinh viên có quốc tịch ngoài khối EU phải tiến hành thủ tục xin thẻ cư trú ở Sở Cánh Sát (Questura) – Phòng Nhập Cư. Hồ sơ xét duyệt không nộp trực tiếp tại Questura mà phải nộp thông qua bưu điện tại thành phố sinh viên học tập và sinh sống.
Trong chuỗi bài chia sẻ về du học Ý, hôm nay mình sẽ cùng các bạn tìm hiểu cách chuẩn bị hồ sơ du học Ý sau:
- Đăng ký học – Pre-enrolment process
- Thị thực du học – Visa for study
- Đăng ký cư trú sau khi nhập cảnh vào Ý- Permesso di Soggiorno
Quy trình các thủ tục này giành cho sinh viên Việt Nam, tuy nhiên các bạn sinh viên nước ngoài không thuộc khối EU vẫn có thể tham khảo.
Đăng ký nhập học - Pre-enrolment process
Thủ tục đăng ký nhập học là bước đầu tiên cần làm trước khi tiến hành hồ sơ xin thị thực (visa). Sinh viên nhận được thư báo nhập học từ một trường của Ý, cần liên hệ với liên hệ với Đại sứ quán Ý (ở Hà Nội) hoặc Tổng Lãnh sự quán Ý (ở TP. Hồ Chí Minh) để làm thủ tục đăng ký nhập học. Hồ sơ cần chuẩn bị và nộp tại Đại sứ quán Ý (ở Hà Nội) hoặc Tổng Lãnh sự quán Ý (ở TP. Hồ Chí Minh) bao gồm:
1) Hai bản của mẫu đơn A đăng ký nhập học (pre-enrolment form)
2) Bản gốc bằng đại học hoặc bằng trung học (chú ý, bản gốc chỉ dùng với mục đích đối chiếu khi trình bày hồ sơ với nhân viên tại buổi làm việc, và sẽ được trả lại cho người nộp ngay sau đó) .
3) Các bước làm thủ tục Xác nhận văn bằng (Declare of value Applying) hay gọi tắt là thủ tục làm DoV cho bằng cấp trung học hoặc bằng đại học được cấp từ các tổ chức, trường ngoài lãnh thổ Ý hoặc ngoài khối châu Âu. Sinh viên cần chuẩn bị các hồ sơ sau:
3.1 Sao y công chứng bằng trung học hoặc bằng đại học tại các văn phòng công chứng được cấp phép hợp pháp tại tỉnh/ quận/ huyện.
3.2 Mang bản gốc và bản sao y công chứng của bằng trung học hoặc bằng đại học (đã làm ở bước 3.1) tới Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại Giao để hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ này cho việc sử dụng ở nước ngoài. Hồ sơ gồm có: a) tờ khai hợp pháp hoá lãnh sự theo mẫu số LS/HPH-2012/TK, b) bản chính giấy tờ tùy thân, c) bản chính và bản sao y công chứng của bằng cấp, giấy tờ cần hợp pháp hóa, d) 01 phong bì ghi địa chỉ người nhận nếu cần nhận hồ sơ trả về qua bưu điện.
3.3 Sau khi hoàn thành các bước trên, mang các giấy tờ đã được hợp pháp hóa lãnh sự cùng với bản gốc để đối chiếu tới Đại sứ quán Ý (ở Hà Nội) hoặc Tổng Lãnh sự quán Ý (ở TP. Hồ Chí Minh) để được dịch sang tiếng Ý và làm dấu xác nhận văn bằng. Cần lưu ý rằng, việc dịch tài liệu sang tiếng Ý cần được thực hiện bởi những phiên dịch viên được công nhận bởi Đại sứ quán hoặc Lãnh sứ quán Ý.
4) Sao y công chứng các bảng điểm và dịch sang tiếng Ý.
5) Thư nhập học được gởi từ trường của Ý;
6) Hai ảnh thẻ theo chuẩn làm hộ chiếu, nền trắng. Vui lòng ký tên ở phía sau trên 1 ảnh.
Sau khi Đại sứ quán Ý nhận các yêu cầu đăng ký nhập học từ sinh viên Việt Nam cho năm học XXXX và XXXY, Đại sứ quán Ý sẽ lập danh sách các sinh viên này và gởi tới các trường tại Ý. Các trường tại Ý sau đó sẽ gởi một thư xác nhận chính thức về danh sách tới Đại sứ quán Ý. Khi đó, sinh viên có thể liên hệ với Đại sứ quán Ý (ở Hà Nội) hoặc Tổng Lãnh sự quán Ý (ở TP. Hồ Chí Minh) để tiến hành thủ tục làm thị thực đi học.
Để luôn cập nhật tinh tức mới nhất trong quá trình chuẩn bị/ làm thủ tục đăng ký nhập học, chúng tôi khuyên bạn luôn kiểm tra thông tin trên trang web của Đại sứ quán Ý (ở Hà Nội) hoặc Tổng Lãnh sự quán Ý (ở TP. Hồ Chí Minh).
Visa application (visto)
Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký học (pre-enrollment), sinh viên sẽ đợi Đại sứ quán/ Lãnh sứ quán liên hệ với trường học ở Ý và nhận hồi âm từ trường về danh sách sinh viên sẽ nhập học. Sau khi quá trình này hoàn tất, Đại sứ quán sẽ thông báo thời gian bắt đầu nhận hồ sơ làm thị thực đi học, loại C ( cho chương trình ngắn hạn, ít hơn 90 ngày) và loại D (cho chương trình học dài hơn 90 ngày).
Thông tin chi tiết về các giấy tờ cần chuẩn bị để làm thị thực, vui lòng cập nhật từ trang web của Đại sứ quán Ý ở nơi bạn sinh sống. Ở phần sau, chúng tôi liệt kê các giấy tờ cần thiết cho quá trình làm thị thực cho sinh viên Việt Nam. Hồ sơ gồm có:
- Đơn làm thị thực
- Bản sao hộ chiếu
- 2 ảnh theo chuẩn làm passport khổ 4×6
- Hộ chiếu còn hạn sử dụng ít nhất 3 tháng tính từ ngày hết hạn visa được cấp.
- Bằng chứng đã đặt vé máy bay tới Ý.
- Bằng chứng tài chính để trang trải chi phí sinh hoạt trong thời gian học tại Italia, khoảng tiền cần chứng minh có thể bảo đảm chi phí cho 417,30 Euro/tháng. Trường hơp có học bổng du học: cần trình bày thư được cấp học bổng và số tiền sẽ được cấp.
- Nơi ở trong thời gian học ở Ý.
- Bảo hiểm du lịch, thời hạn 1 tháng, với gói bảo hiểm có mức tối thiểu là €30,000 trong trường hợp cấp cứu ở bệnh viện.
- Văn bằng đã được xác nhận DoV tại bước 3.3.
Đăng ký cư trú sau khi nhập cảnh vào Ý - Permesso di soggiorno
Trong vòng 8 ngày làm việc tính từ ngày đầu tiên nhập cảnh vào Ý hoặc vào các nước thuộc khối Schengen với thị thực đi học loại D (visa type D) phải tiến hành làm thủ tục đăng ký cư trú với Phòng Nhập Cư, thuộc Sở Cảnh Sát (Questura) của từng địa phương / thành phố nơi sinh viên sẽ cư trú và học tập. Quy trình đăng ký cư trú và làm thẻ cư trú (Permesso di soggiorno per motivi di studio) gồm các bước như sau:
1) Chuẩn bị bộ hồ sơ đăng ký cư trú (kit permesso di soggiorno)

Sinh viên với thị thực đi học loại D cần chuẩn bị và hồ sơ đăng ký cư trú tại các bưu điện có thẩm quyền tiếp nhận tại thành phố sinh viên học tập và sinh sống như sau:
- Sinh viên cần tới văn phòng hỗ trợ sinh viên quốc tế của trường mình học (International Office) hoặc tới các bưu điện yêu cầu cấp miễn phí bộ hồ sơ kit permesso di soggiorno. Đó là 1 bao thư lên, bên trong có mẫu hồ sơ để điền, và mẫu hóa đơn để nộp phí. Sinh viên điền mẫu đơn 1 (Modulo 1). Nếu là lần đầu tiên, văn phòng hỗ trợ sinh viên quốc tế của trường thường giúp sinh viên khai thông tin. Sau này, sinh viên có thể tự làm, hoặc nếu cần giúp có thể liên hệ văn phòng của trường hoặc ra tổ chức công đoàn của thành phố nhờ điền giúp với chi phí rất ít (như CAF).
- Mua 1 tem thư marca da bollo có giá trị 16 euro tại cửa hàng tạp hóa (Tabacchi) và dán ở mục số 1 trên trang đầu tiên của mẫu Modulo 1.
- Một bản sao hộ chiếu các trang thông tin cá nhân và các trang có đóng mộc xuất/ nhập cảnh.
- Một bản sao thư nhập học của trường học ở Ý, xác nhận việc vào Ý và cư trú ở đây với mục đích học tập.
- Một bản sao hóa đơn mua bảo hiểm trong dài hạn (thường là 1 năm). Thông thường, sinh viên khi đến nộp bộ kit permesso di soggiorno tại bưu điện, sinh viên có thể mua bảo hiểm quốc gia Ý (servizio sanitario nazionale) với thời hạn 1 năm có giá trị từ 1/1 tới 31/12, với giá 149.77 euro. Lưu ý, sinh viên nhờ nhân viên bưu điện làm 1 bản sao hóa đơn bỏ vào bộ kit. Bản chính của hóa đơn mua bảo hiểm sẽ được giao cho sinh viên, để tiến hành làm thẻ bảo hiểm sau này.
- Một bản sao hợp đồng nhà mới nhất. Nếu chưa có hợp đồng nhà, hoặc hợp đồng nhà sẽ hết hiệu lực trong vài ngày, sinh viên vẫn có thể nộp tạm hợp đồng nhà sắp hết hạn và giấy xác nhận nơi ở của trường. Lưu ý, tại thời điểm sinh viên đến cuộc hẹn đầu tiên với Questura, sinh viên cần phải cập nhật giấy tờ nhà mới nhất, và còn hiệu lực.
- Một bản sao mã số thuế (codice fiscale)
Tóm lại, chi phí để làm permesso di soggiorno bao gồm các phí sau:
- 70.46 euro chi phí làm permesso.
- 31.50 euro phí bưu điện.
- 149.77 euro phí bảo hiểm quốc gia Ý trong 1 năm.
- 16 euro cho 1 con tem.
Hình thức thanh toán có thể trả bằng tiền mặt hoặc thẻ. Kết thúc làm hồ sơ tại bưu điện, nhân viên bưu điện sẽ đưa lại:
- Biên nhận đã nộp thủ tục làm Permesso di soggiorno ở bưu điện.
- Giấy hẹn ngày giờ đến làm việc ở Sở cảnh sát (Questura)
- Biên nhận mua bảo hiểm
Lưu ý cần giữ 3 giấy tờ này cẩn thận và nên photo ra 1 bản. Khi đến gặp Questura ở buổi hẹn đầu tiên, người nộp đơn, cần trình biên nhận đã nộp thủ tục làm Permesso và giấy hẹn.


2) Buổi hẹn đầu tiên tại Phòng nhập cảnh của Sở cảnh sát
Sinh viên nên đến Phòng nhập cảnh ở Sở cảnh sát địa phương đúng hẹn như đã ghi trên giấy hẹn. Nếu trường hợp bất đắc dĩ liên quan đến sức khỏe hoặc các vấn đề khác, sinh viên có thể đến trình bày với Questura trước ngày đến hẹn để được xem xét đổi lịch hẹn. Quyền quyết định sẽ phụ thuộc vào Questura nếu có lý do vắng mặt thỏa đáng. Khi đến buổi hẹn đầu tiên, sinh viên cần chú ý chuẩn bị sẵn các giấy tờ sau:
- Bản gốc hộ chiếu.
- Giấy hẹn ngày giờ đến làm việc ở Sở cảnh sát (Questura)
- Biên nhận đã nộp thủ tục làm Permesso di soggiorno ở bưu điện.
- Thẻ cư trú cũ (permesso di soggiorno) (đối với trường hợp cần làm mới lại)
- Mã số thuế (codice fiscale).
- 4 ảnh theo chuẩn passort với nền trắng.
- Giấy chứng nhận việc học từ phía trường Ý.
- Thẻ bảo hiểm hoặc biên nhận đã mua bảo hiểm
- Hợp đồng nhà mới nhất còn giá trị (nếu cần cập nhật)
- Chứng minh tài chính có thể trang trải chi phí sinh hoạt ở Ý tối thiểu 6 tháng. Sinh viên cần nộp một trong các giấy tờ sau:
-
- Bản sao thông báo được nhận học bổng
- Bản sao thư nhập học tiến sĩ, được trả lương cho hoạt động nghiên cứu, trong khoảng thời gian nào
- Bản sao kê ngân hàng
Tại bàn làm việc và tiếp nhận hồ sơ, nhân viên Questura sẽ kiểm tra hồ sơ và trả lại các giấy tờ bản gốc cho sinh viên. Sau đó, sẽ tiến hành lấy giấu vân tay 2 bàn tay. Kết thúc buổi hẹn đầu tiên với Questura, cần chờ vài tháng tháng để nhận được thẻ Permesso. Thời gian làm thẻ nhanh hay chậm tùy thuộc vào mỗi thành phố. Ở thành phố mình từng sống, thời gian làm thẻ thay đổi khá nhiều. Năm 2012 mình đợi khoảng 1 tháng là có thẻ, nhưng những năm gần đây thời gian đợi là trên 3 tháng. Vì vậy, các bạn nên chú ý làm permesso hoặc làm lại (renew) sớm để có thể chủ động cho việc di chuyển trong các nước Schengen.
3) Kiểm tra và nhận thẻ cư trú (Permesso di soggiorno)
Để kiểm tra liệu thẻ cư trú đã làm xong hay chưa, bạn có thể kiểm tra trực tiếp ở trang Polizia di Stato (https://questure.poliziadistato.it/stranieri/). Điền mã số bar code assicurata trên tờ giấy biên nhận đã nộp thủ tục làm Permesso di soggiorno ở bưu điện vào và nhấn enter. Nếu thẻ đã làm xong, bạn có thể mang tờ giấy biên nhận trên và bản gốc hộ chiếu đến Questura để nhận thẻ.

Summary
Trong trang này, mình đã chia sẻ một số thủ tục quan trọng mà sinh viên nước ngoài phải chuẩn bị khi du học Ý, bao gồm đăng ký nhập học, làm hồ sơ thị thực du học tại Đại sứ quán/ Lãnh sứ quán Ý. Ngoài ra, sau khi sinh viên nhập cảnh vào Ý hoặc một trong các nước thuộc khối Schengen lần đầu tiên, trong vòng 8 ngày làm việc, sinh viên cần tiến hành nộp hồ sơ đăng ký cư trú với Questura tại nơi cú trú thông qua dịch vụ bưu điện. Thời gian từ lúc nộp hồ sơ cho tới khi nhận được thẻ cư trú thường mất vài tháng tùy từng vùng/ thành phố. Khi nhận được thẻ cư trú sinh viên có thể di chuyển tự do giữa các nước Schengen. Mình hy vọng bài chia sẻ này giúp ích được cho các bạn đang hoặc sẽ chuẩn bị tới Ý để hành trình du học được dễ dàng hơn. Nếu các bạn có câu hỏi khác, có thể liên hệ tới địa chỉ info@semprelearn.com.
Blog
Nếu các bạn quan tâm về các thủ tục hành chính khác ở Ý, vui lòng ghé thăm trang blog semprelearn.com để tìm hiểu thêm các thủ tục khác. Mình sẽ cố gắng chia sẻ 1 cách chi tiết nhất để giúp các bạn gỡ bỏ những băn khoăn trong quá trình chuẩn bị hồ sơ và học tập ở Ý. Hy vọng các bạn sẽ luôn theo dõi và ủng hộ semprelearn.